CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ VÀ CHÈ

Cập nhật lúc: 10:48 21/06/2017

CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ VÀ CHÈ

Tìm kiếm sự công nhận pháp lý đối với chỉ dẫn địa lý dưới dạng sở hữu trí tuệ, cả ở trong và ngoài nước, là một công cụ được sử dụng rộng rãi để hạn chế một cách hợp pháp các nguồn cung cạnh tranh đối với một sản phẩm. Đây có thể là một giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế cạnh tranh về phía cung những sản phẩm có các đặc điểm đặc trưng (cảm quan) gắn với một vùng địa lý nhất định. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải có sự quan tâm chính đáng cũng như người sản xuất và cơ quan công quyền phải có khả năng bảo vệ thích đáng những sản phẩm đặc trưng này. Người ta thường tìm biện pháp bảo hộ về mặt pháp lý cho những chỉ dẫn địa lý có truyền thống lâu đời và danh tiếng. 

Cà phê Antigua của Goatêmala, cà phê Blue Mountain của Jamaica, cà phê Kona của Hawaii, cà phê Narino của Côlômbia, chè Assam của Xri Lanka, chè Ceylon của Ấn Độ, tất cả đều là những sản phẩm danh tiếng trước khi được cấp mã số (Diaz-Rios2015) Tuy nhiên, không phải mọi chỉ dẫn địa lý đã đăng ký đều có truyền thống lâu đời. Chẳng hạn như cà phê sản xuất tại vùng Cerrado của Braxin mới được sản xuất từ những năm 1970 và quá trình sản xuất cũng được cơ giới hóa cao độ. Trong một số trường hợp, sự công nhận về mặt văn hóa và sự nổi tiếng chính là sản phẩm của những chiến dịch tiếp thị có chủ ý. Ví dụ cà phê Veracruz của Mêhicô trước khi đăng ký bảo hộ không được nhiều người biết đến. Hơn nữa, những chỉ dẫn địa lý được công nhận rộng rãi thường là nhờ những nỗ lực trước đây về tiếp thị, phân phối những sản phẩm đặc trưng dựa trên những chỉ dẫn đó. Chẳng hạn, cà phê Antigua được công nhận lần đầu từ đầu thế kỷ 20 nhờ nỗ lực của một nhà sản xuất đơn lẻ.

Nhưng mãi đến những năm 2000, nhiều nông dân mới thành lập nên Hội người sản xuất cà phê Antigua để bảo vệ nguồn gốc, chất lượng, danh tiếng của sản phẩm cà phê đặc trưng này, cũng như để đăng ký tên thương mại cho nhãn hàng. Một yếu còn quan trọng hơn truyền thống và danh tiếng đã có là sự khác biệt của sản phẩm theo cảm quan và các chiến lược tiếp thị hiệu quả. 

Giovannucci (2015) đã nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về chỉ dẫn địa lý. Ông cho biết việc áp dụng chỉ dẫn địa lý thành công còn phụ thuộc vào việc (i) có nguồn cung sản phẩm ổn định với những đặc trưng cụ thể/cần thiết; (ii) có các tổ chức hợp tác hữu hiệu để thực hiện các hoạt động xúc tiến, tiếp thị; (iii) hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở khâu sau sản xuất để bảo đảm thành công về mặt thương mại. Dù chỉ dẫn địa lý đang ngày càng được coi là một công cụ quan trọng phục vụ tạo giá trị ở cấp nông hộ nhưng cách làm này cũng có những ưu nhược điểm riêng so với các phương thức khác.